"Khi cách ly tại nhà, phải đảm bảo an toàn, trong trường hợp F1 trở thành F0 thì không được phép lây thêm cho bất kỳ người nào khác" - bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) chia sẻ về việc cách ly tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang liên tiếp ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong khu công nghiệp khiến số lượng người tiếp xúc gần ca nhiễm COVID-19 (F1) cũng tăng lên nhanh chóng, điều này đòi hỏi cần có những biện pháp ứng phó kịp thời; vì vậy, đề xuất cách ly nghiêm ngặt tại nhà với nhóm F1 nguy cơ thấp đã được đặt ra.
Nói về đề xuất này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết, nguyên tắc của cách ly F1 là nhóm đối tượng này ở đâu sẽ tùy thuộc vào lượng tải, nếu quá tải thì phải tìm chỗ khác để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm trong khu cách ly.
Song song đó, khi xảy ra quá tải, khu cách ly cũng không có đủ nhân lực để giám sát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Khi cách ly tại nhà cũng tính đến trường hợp F1 nguy cơ thấp hoặc F1 nguy cơ cao.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, dù trường hợp nào thì tất cả đều thuộc nhóm nguy cơ. Do đó, khi cách ly tại nhà, phải đảm bảo an toàn, trong trường hợp F1 trở thành F0 thì không được phép lây thêm cho bất kỳ người nào khác.
"Để việc triển khai cách ly tại nhà vừa đảm bảo an toàn vừa không lây lan ra cộng đồng, nên có quy định về khai báo sức khỏe, không phải là khai báo y tế. Có nghĩa là, khi có triệu chứng, phải khai báo cho ai, làm xét nghiệm như thế nào? Điều này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người được cách ly.
Cùng với đó, nên có quy định về ăn uống, tiếp xúc, kể cả tiếp xúc người trong gia đình. Đặc biệt, quy định về giám sát là cần thiết, không thể chỉ dựa vào ý thức, tự giác của người được cách ly.
Cách giám sát tùy vào từng trường hợp, có thể nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm, camera, công an, khu phố… Tiếp tục xét nghiệm định kỳ cho những người này để trong trường hợp thành F0 thì chuyển liền vào khu cách ly y tế" - bác sĩ Khanh chia sẻ.
Trước đó, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 20.5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thực tế chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các khu công nghiệp lớn, hàng trăm nghìn công nhân. Đây là lúc phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của ngành y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có sự giám sát của camera, các công cụ công nghệ thông tin do Bộ TTTT đang hỗ trợ, để trong trường hợp có quá nhiều người bị nhiễm thì thu dung những trường hợp khoẻ mạnh, chưa có triệu chứng, để theo dõi, luôn sẵn sàng chuyển đến các khu điều trị nếu xuất hiện triệu chứng nặng.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn tính đến trong tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ, thì nghiên cứu, khảo sát, trước hết ở những gia đình có điều kiện về nhà cửa, có khoảng cách với những nhà xung quanh… để thí điểm quy mô nhỏ là cho F1 cách ly tại nhà, có kết hợp giám sát bằng công cụ công nghệ, đồng thời kêu gọi sự giám sát, giúp đỡ của hàng xóm lân cận.
Nguồn: Laodong
Cụm tin cùng chủ đề
Thêm vào Topic
Lưu ý bài viết đóng góp cần được chủ Topic duyệt trước khi được hiển thị trên Topic đó!
Bình luận