Lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 27.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương để lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 (Nghị quyết số 30). Dự họp tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết số 30, gợi mở những nội dung để các đại biểu thảo luận, góp ý vào dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30, đồng thời cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 30 trong thời gian tới.
![]() |
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hưng Yên |
Theo dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 11.9.2022, cả nước ghi nhận 11.439.613 ca mắc Covid-19, có 43.129 ca tử vong. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng. Số ca mắc giảm thấp, giảm mạnh tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế đã được củng cố, các biện pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, nguồn lực cho y tế đang được triển khai quyết liệt. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các tầng lớp Nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phòng, chống dịch. Việc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Nghị quyết số 30 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp cấp bách, tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa về vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch Covid-19 gây ra…
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo đánh giá cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại: Công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động. Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Giai đoạn đầu dịch bệnh, nước ta gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 4 đối với người trên 18 tuổi còn thấp.
Một số địa phương thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tại một số thời điểm xảy ra tình trạng người dân điều trị tại nhà khó khăn trong tiếp cận thuốc điều trị Covid-19. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn, chậm được ban hành. Một số biện pháp phòng, chống dịch còn chưa sát với thực tiễn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi chưa được kịp thời bảo đảm.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 phức tạp và gia tăng trở lại. Đồng thời, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới còn diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao...
Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới được đề ra là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới.
Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với triển khai, thực hiện các hoạt động trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo để bảo đảm triển khai hoạt động thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và có tính “miễn trừ trách nhiệm” để phòng, chống dịch hiệu quả.
Các đại biểu đã thảo luận đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, nhất trí với dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30; đồng thời thống nhất ý kiến tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30 trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế tổng hợp các ý kiến các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung cao trong thời gian tới: Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, cơ sở trong vấn đề để thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế…
Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng yêu cầu, Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp tục tiêm cho các đối tượng theo quy định; các địa phương khẩn trương hoàn thành danh sách dự kiến tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi, rà soát nhu cầu vắc xin tiêm cho đối tượng này; Sở Y tế đẩy mạnh việc đấu thầu thuốc, vắc xin, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm…
Đào Doan
Nguồn: Baohungyen
Cụm tin cùng chủ đề
Thêm vào Topic
Lưu ý bài viết đóng góp cần được chủ Topic duyệt trước khi được hiển thị trên Topic đó!
Bình luận