28/10/2021, 18:35 Thêm vào topic
feature-top

Đề cập đến hình thức phổ biến phim, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã có quy định nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn.

Mang tính chất nghệ thuật sáng tạo vào đường biên của thể chế

Chiều 28.10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Thảo luận về dự luật này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó, điện ảnh là loại hình, phương tiện trực quan sinh động, có ý nghĩa trong việc định hướng giá trị, tư tưởng, góp phần quảng bá văn hóa đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Việc sửa đổi bổ sung Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng để nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật Điện ảnh trình lần này đã tiếp cận tư duy điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành kinh tế.  

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cần tập trung vào vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm cả phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần quan tâm chính sách xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động điện ảnh. 

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phát biểu tại Hội trường Diên Hồng

Đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng, cần có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích này, cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia để chính sách này khi đi vào cuộc sống dễ thực hiện.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, điều khó khăn nhất khi chấp bút Dự án Luật Điện ảnh chính là mang một hoạt động mang tính chất nghệ thuật sáng tạo vào khuôn khổ, đường biên của thể chế, trong khi bản chất sáng tạo vốn không có giới hạn.

Do đó làm thế nào để hài hòa giữa quản lý nhà nước về hoạt động điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc trước ranh giới mong manh giữa giá trị đạo đức truyền thống văn hóa với những cái mới được định hình trong thế giới phẳng. 

Hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng

Đề cập đến 3 hình thức phổ biến phim, nhất là hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc phổ biến phim trên không gian mạng dù đã quy định tại Điều 22 nhưng vẫn có một khoảng trống rất khó kiểm soát bởi khối lượng phổ biến trên không gian mạng là quá lớn.

"Vì thế rất khó cho công tác tiền kiểm nhưng nếu chỉ hậu kiểm thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc, hại, không thu hồi được phim có nội dung xấu" - đại biểu Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, phương án hậu kiểm có vẻ khả thi, phù hợp hơn. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại các quy định sao cho có sự thống nhất giữa Luật Điện ảnh với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng. 

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn. Ảnh QH

Cũng đề cập đến việc phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) cho biết, bà đồng tình với quy định trong dự án Luật, tức là tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải bảo đảm các quy định tại Luật, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định 33 của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất nội dung phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Nếu thực hiện tiền kiểm rồi mới tiến hành cấp phép phát hành phim, tôi cho rằng không phù hợp với xu thế hiện nay”, đại biểu Mào nhấn mạnh.

Nguồn: Laodong

Bình luận

Xem thêm bình luận

Tin địa phương

Google