Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, TPHCM ghi nhận 20.411 ca mắc COVID-19, 246 ca đang thở máy và 7 ca cần can thiệp ECMO. Số ca trong những ngày tới dự kiến còn tăng và TPHCM đang sẵn sàng ứng phó kịch bản khi có 20.000 ca nhiễm.
Kịch bản ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm
Tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15.7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo từ 9.7, thành phố trung bình ghi nhận 1.305 ca nhiễm mỗi ngày, hầu hết trong khu cách ly, phong tỏa.
Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, TPHCM đã ghi nhận 20.411 ca dương tính. Hiện có 246 ca đang thở máy, trong đó có 7 ca cần can thiệp ECMO. Cách ly tập trung là 14.968 người. Ngành Y tế vẫn phát hiện ca nhiễm qua xét nghiệm giám sát tại cộng đồng.
Về năng lực điều trị, 3 ngày qua, thành phố đã đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư tại Khu tái định cư phường An Khánh và một Trung tâm Hồi sức COVID-19 với công suất 1.000 giường. Thành phố đã chuẩn bị 39.240 giường điều trị tại 23 bệnh viện, đang điều trị 15.990 bệnh nhân.
TPHCM hiện có 216 doanh nghiệp đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất, trong đó, 205 doanh nghiệp đang triển khai. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TPHCM (HEPZA) đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng. Khu Công nghệ cao cũng đã lên danh sách nhà trống để sẵn sàng chuyển mục đích thành khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến khi cần.
Ông Dương Anh Đức khẳng định TPHCM đã sẵn sàng ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm.
Giải ngân hơn 310 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, TPHCM đã giải ngân hơn 310 tỉ đồng trên tổng số 886 tỉ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM (chiếm tỉ lệ 35%). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TPHCM đã tiếp nhận 996 tỉ đồng tiền hỗ trợ dịch COVID-19 và đã phân phối hơn 869 tỉ đồng tiền và hàng hóa.
Ngoài ra, một số địa phương cũng đã vận động được số tiền lớn để hỗ trợ người dân như quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận…
Mật độ giao thông giảm 70-80% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 10. Từ ngày 9.7 đến nay, các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã lập 969 đoàn kiểm tra, xử phạt 3.931 vụ với tổng số hơn 8 tỉ đồng.
Hội chứng bóng bàn trong lây nhiễm bệnh rất nguy hiểm
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo, tiếp tục cho phép sản xuất đối với các doanh nghiệp khi đảm bảo các điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo thì ngừng hoạt động.
Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (HEPZA) Hứa Quốc Hưng cho biết, do thành phố triển khai với thời gian thông báo gấp nên việc cung cấp trang thiết bị lưu trú như lều bạt, mùng mền, khó đảm bảo cho các doanh nghiệp để bố trí chỗ ở công nhân.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng, TPHCM đã có thời gian thảo luận và không thể chờ đợi thêm được nữa nên mới lấy mốc 0h ngày 15.7 để triển khai quy định phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện chủ trương này, nếu doanh nghiệp chuẩn bị và đủ điều kiện tiến hành vừa sản xuất vừa cách ly thì vẫn cho hoạt động.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Chân Phúc
Ông Phong cho rằng, việc yêu cầu các điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động rất quan trọng mà ông cho là "điểm nổ", nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt thì rất nguy hiểm. Đặc điểm của các doanh nghiệp trong khu chế xuất hoặc khu công nghệ cao là công nhân không ở tập trung một chỗ mà ở phân bố rộng trên địa bàn các quận huyện.
“Một trường hợp nào đó bị lây từ cộng đồng nơi đang sinh sống rồi lây tới nơi làm việc, từ đó những người bị lây lại tiếp tục lan ra cộng đồng. Các nhà chuyên môn gọi đó là hội chứng bóng bàn”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu thêm ví dụ, tối 11.7, có một công ty gốm ở quận Tân Bình phát hiện 76 ca dương tính COVID-19 sinh sống rải rác ở các quận huyện.
Một tương tự khác là Công ty Nidec, tính tới 10.7, có tới 573 ca của Khu Công nghệ cao. Phần lớn công nhân của công ty này trú ngụ trên địa bàn TP.Thủ Đức và tập trung tại phường Tân Phú nên lúc đó đã phải phong tỏa phường này ngay lập tức.
Ngoài ra, theo ông Phong, hiện có từ 3 đến 8% số ca nhiễm tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo. "Theo phân tích dữ liệu, các ca nhiễm phát sinh lớn nhất là ở khu phong tỏa. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đã xảy ra lây nhiễm chéo. Phải giảm dần ca nhiễm tại nơi phong tỏa", ông Phong nói.
Cần dự báo tình hình sát hơn nữa
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá trong những ngày qua, TPHCM đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn những khiếm khuyết như tập trung đông người,...
Về số ca mắc tăng, Phó Thủ tướng cho rằng TPHCM cần xem xét bản chất của việc số ca tăng trong những ngày qua, nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì khó lòng chống dịch theo Chỉ thị 16 được.
"Chúng ta cần suy nghĩ, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số ca chuyển thành bệnh khoảng hơn 10%, còn số bệnh nặng và tử vong thì chiếm 97/1.000 người... Nếu như chúng ta không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định.
Từ nay đến khi chấm dứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của TPHCM tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp. Trong tình hình mới, nếu có điểm mới thì phải bổ sung Chỉ thị mới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.
Nguồn: Laodong
Cụm tin cùng chủ đề
Thêm vào Topic
Lưu ý bài viết đóng góp cần được chủ Topic duyệt trước khi được hiển thị trên Topic đó!
Bình luận