
Công nhân Công ty TNHH Gateway Lighting Việt Nam tại Khu công nghiệp tỉnh thực hiện đeo khẩu trang khi làm việc.
Đại dịch Covid–19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề, đơn vị trong cả nước. Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp bị phá sản thì không ít những doanh nghiệp chủ động, nỗ lực vượt khó biến thách thức thành cơ hội. Công ty TNHH TAV tại Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Bình là một điển hình, trong tình hình dịch Covid–19 bùng phát, sản xuất kinh doanh có những lúc bị gián đoạn, từ việc chuyên sản xuất một mặt hàng đơn vị đã rất linh hoạt chuyển hướng sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Nên danh sách khách hàng, đơn hàng nhiều hơn, công ty chuẩn bị nâng công suất thêm 20% trong thời gian tới.
Công ty hiện có hơn 4.700 công nhân, đang sản xuất an toàn. Ông Nguyễn Văn Khởi, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH TAV chia sẻ: “Ngay khi dịch Covid–19 bùng phát, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, công ty đã thành lập Ban phòng, chống dịch, xây dựng bộ quy trình tiêu chuẩn trong đó định nghĩa các cấp độ cảnh báo theo các phương án khác nhau, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng thành viên trong ban và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người lao động, trực tiếp huấn luyện cán bộ cấp trung nắm rõ các phần công việc cần thực hiện trong phòng, chống dịch.
Công ty thực hiện việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc; Hàng tuần phun khử khuẩn xung quanh khuôn viên đơn vị; Yêu cầu người lao động khai báo y tế. Đối với các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao, công ty thường xuyên theo dõi chặt chẽ lịch trình làm việc để kịp thời đưa ra những khuyến cáo biện pháp cần thiết, sử dụng các gói trang thiết bị phòng, chống Covid–19 cho những người thường xuyên phải đi công tác và những người đến làm việc tại công ty, yêu cầu khai báo y tế có giấy xét nghiệm âm tính”.

Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân KCN Tiền Hải, huyện Tiền Hải.
Là đơn vị chuyên sản xuất dây dẫn điện ô tô, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn hàng của công ty cũng bị giảm. Theo đó, công ty đã bố trí cho người lao động nghỉ luân phiên và được hưởng 75% tiền lương trong thời gian chờ việc. Bà Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ quản lý phòng Hành chính Chi nhánh Công ty TNHH Yazaky Hải Phòng Việt Nam tại Thái Bình nói: “Công tác phòng, chống dịch Covid–19 được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty đã triển khai khai báo y tế bằng quét mã QR đối với lao động ngoại tỉnh, lưu mã của mỗi người lao động kết hợp với dữ liệu chấm công, đảm bảo kiểm soát 100% lịch trình ra vào của người lao động… Toàn bộ phương tiện đưa đón công nhân, chở nguyên vật liệu vào công ty đều được phun khử khuẩn thường xuyên; nghiêm túc thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch”.
Hai doanh nghiệp trên cũng như 153 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Thái Bình (trong đó có 53 doanh nghiệp FDI) đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh phối hợp với CDC tỉnh tập huấn lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty Cổ phần sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình.
Toàn tỉnh hiện có 6 KCN. Các doanh nghiệp trong KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 61.000 lao động, trong đó có 431 lao động nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Các Khu, Cụm công nghiệp là nơi lượng người lao động tập trung lớn, nếu xảy ra dịch Covid-19 sẽ lây lan mạnh trong công nhân lao động, khiến sản xuất ngưng trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo ra những tác động liên hoàn tiêu cực đến nền kinh tế.
Để kịp thời kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 tại các KCN, Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp bên cạnh việc triển khai nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của tỉnh, Trung ương đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, cần xây dựng phương án chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện ký cam kết phòng, chống dịch với Ban Quản lý, cung cấp danh sách chi tiết người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gửi Ban Quản lý để thông tin đến các ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố để thuận tiện trong quá trình phối hợp điều tra truy vết khi có dịch xảy ra, triển khai lấy mẫu xét nghiệm đối tượng có nguy cơ cao tại doanh nghiệp bằng cả nguồn kinh phí tự có cùa doanh nghiệp và kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ, qua đó sàng lọc để đánh giá nguy cơ tại các doanh nghiệp, tổ chức tiêm vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ cao tại những doanh nghiệp sử dụng trên 1000 lao động trở lên, kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh công tác phòng chống tại các doanh nghiệp… Khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin tiêm phòng cho người lao động.
Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh cho biết: “Dịch xuất hiện rất nhanh, mạnh, rộng vì vậy phải chủ động phòng chống. Để mỗi doanh nghiệp là một pháo đài thì mỗi người công nhân phải thực sự là một chiến sỹ trong phòng, chống dịch. Doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nếu 999 người nghiêm túc chỉ 1 người lơ là cũng ảnh hưởng đến cả KCN. Vì vậy, yêu cầu mỗi doanh nghiệp từng người công nhân phải thực sự trách nhiệm, thực hiện đúng quy định, chủ động xét nghiệm, phát hiện sớm để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ban Quản lý Khu kinh tế, các KCN sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, dứt khoát xử lý nghiêm, yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất đến khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch”.

Test nhanh sàng lọc Covid - 19 tại Công ty TNHH công nghiệp Tactician thuộc KCN tỉnh.
Tỉnh luôn xác định thành công của các đơn vị sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Nên tại nhiều buổi kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như trong các cuộc họp, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh luôn yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ “kép” đó là vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, có sự năng động vươn lên. Doanh nghiệp lưu ý tổ chức thực hiện đúng kịch bản, hành động ứng phó với dịch bệnh ở 3 cấp độ gồm: Chưa có dịch, có người nghi nhiễm và có ca bệnh F0 hoặc chùm ca bệnh F0; Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các KCN tiến hành diễn tập thường xuyên để khi có tình huống xảy ra sẵn sàng ứng phó.
Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế, các KCN tỉnh, UBND các huyện phải thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phát triển sản xuất.
Box: Kết quả công tác phòng, chống dịch tại Khu Kinh tế và KCN tỉnh: 100% các doanh nghiệp KCN đã ký cam kết, gửi danh sách chi tiết người lao động về Ban Quản lý. Ban Quản lý Khu kinh tế và KCN đã trực tiếp tổ chức, phối hợp kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên 60 doanh nghiệp. Và chủ trì phối hợp CDC tỉnh, các đơn vị liên quan lấy mẫu xét nghiệm bằng hình thức test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm PCR cho gần 4.000 lao động, tổ chức diễn tập khi có ca mắc Covid-19 xảy ra. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin cho 720 lao động tại 11 doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động trở lên.
Bài: Thái Bình: Doanh nghiệp nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.Nguồn: Baoxaydung
Cụm tin cùng chủ đề
Thêm vào Topic
Lưu ý bài viết đóng góp cần được chủ Topic duyệt trước khi được hiển thị trên Topic đó!
Bình luận